Tác phẩm “8 trận đánh nổi tiếng đất Hà Thành”
của tác giả Nguyễn Sinh Thủy
Trong buổi giới thiệu sách ngày hôm nay, thư viện nhà trường xin giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “8 trận đánh nổi tiếng đất Hà Thành”. Cuốn sách viết về 8 trận đánh nổi tiếng trên địa bàn Thăng Long – Hà Nội lẫy lừng, vang danh kim cổ của quân dân ta diễn ra trên mảnh đất kinh kì trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Mở đầu là trận đánh nổi tiếng đầu công nguyên do Hai Bà Trưng lãnh đạo, đập tan ách thống trị của nhà Hán, giải phóng đất nước.
Sử cũ chép rằng: Hai Bà là tên gọi tắt, thuộc dòng dõi lạc tướng thời Hùng Vương. Là 2 chị em sinh đôi, Trưng Trắc làm chị, Trưng Nhị làm em. Hai Bà là thủ lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đầu Công nguyên của dân tộc ta. Trưng Trắc trở thành nữ hoàng đầu tiên cai quản quốc gia, dân tộc sau khi đã anh dũng đánh tan đội quân có bề dày kinh nghiệm xâm lược hàng trăm năm. Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà lãnh đạo nổ ra năm 40 sau công nguyên đã chấm dứt gần hai thế kỷ bắc thuộc, khôi phục nền độc lập tự do cho người dân Việt.
Thi sỹ tài danh quê Chương Mỹ là Lê Ngô Cát, tác giả thiên sử ca bất hủ Đại Nam quốc sử diễn ca có viết về Hai Bà Trưng:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tàn bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành
Đô Kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta…
Trận chiến thắng lịch sử Chương Dương Độ do Tiết chế Quốc công Trần Quốc Tuấn lãnh đạo đã đập tan cuộc xâm lược lần thứ 2 của quân Nguyên. Sau trận đại thắng vang dội đó, Thượng tướng Trần Quang Khải tức cảnh đã làm bài thơ tứ tuyệt mừng quân dân Đại Việt chiến thắng quân Nguyên mông lần thứ 2, thơ rằng:
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san…
Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo là một trong những cuộc kháng chiến giành độc lập vô cùng hiển hách của dân tộc ta. Trong suốt 10 năm ( từ năm 1418 - 1427) chiến đấu ngoan cường, anh dũng, mưu trí và sáng tạo, nghĩa quân Lam Sơn đã viết lên những trang sử huy hoàng, thể hiện sâu sắc truyền thống anh hùng và chủ nghĩa yêu nước của nhân dân ta. Trong bảng vàng chiến công của nghĩa quân, nổi bật lên 2 chiến thắng tiêu biểu nhất, đó là chiến thắng Tốt Động - Chúc Động vào cuối năm 1426 và chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang vào cuối năm 1427.
Dưới ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, chúng đã tiến hành đánh úp Hà thành của ta ba lần. Lần thứ nhất vào năm 1873, lần thứ 2 vào năm 1882, lần thứ 3 vào tháng 12/1946 đến tháng 2/1947. Trong những trận chiến đó, quân và dân ta đã chống trả như thế nào, thực dân Pháp đã bại trận ra sao các bạn sẽ tìm thấy lời giải từ cuốn sách này.
Gần hai nghìn năm, sau trận đánh nổi tiếng đầu công nguyên, cũng tại mảnh đất thiêng liêng này, vào tháng 12 năm 1972, trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội đã gây chấn động địa cầu, tạo tiền đề “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Trận “Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của ý chí và trí tuệ Việt Nam, là sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng trong giai đoạn mới.
Đến với cuốn sách “8 trận đánh nổi tiếng đất Hà Thành” các bạn sẽ có được những kiến thức bổ ích và thêm tự hào về lịch sử dân tộcViệt Nam./.
Bạn đọc thân mến. Bài giới thiệu sách đến đây là kết thúc, hẹn gặp các bạn vào buổi giới thiệu sách lần sau. Chào thân ái!