T - Có thể vì nghề nghiệp mà tôi chú ý đến hai cuốn sách của cùng một tác giả người Pháp - Frédérick Gersal - mang hai tựa sách có chung một chủ đề "đã làm nên lịch sử"(qui ont fait lhistoire).
Nhưng sau sự chú ý là đến điều gây hứng thú từ hai chủ ngữ của chủ đề chung ấy là "những đứa trẻ” và "những con vật" đã làm nên lịch sử. Tại sao không phải là những anh hùng hay những người khổng lồ làm nên lịch sử?
Trước tiên, đây là cuốn sách viết cho trẻ em Pháp và gần gũi với kiến thức của giới trẻ phương Tây, thi thoảng cũng xuất hiện những khuôn mặt phương Đông như vị vua Tutankhamun của Ai Cập, vua Phổ Nghi của Trung Quốc hay Đạt Lai Lạt Ma của xứ Tây Tạng... Nhưng không vì thế mà nó kém hấp dẫn với bạn đọc nhỏ tuổi mọi quốc gia khác, trong đó có VN.
Tôi không muốn điểm lại ra đây những câu chuyện xoay quanh các nhân vật (kể cả con người và con vật) được thể hiện trong hai cuốn sách. Điều đó để bạn đọc tự khám phá. Tôi chỉ muốn nói rằng gấp quyển sách này lại, các bạn đọc - cả già và trẻ - sẽ có chung cảm nhận hình như ở nước mình cũng có nhiều nhân vật như thế, và tại sao ta không có một cuốn sách tương tự viết về những đồng bào của mình đã từng làm nên lịch sử và cả những truyền thuyết, biểu tượng đã làm nên lịch sử.
Trong sách của F. Gersal có nói đến bà Jeanne dArc của nước Pháp vừa được dân tộc tôn vinh là anh hùng chống ngoại xâm, lại được nhà thờ "phong thánh" - rất giống với Bà Trưng, Bà Triệu ở nước ta được trang trọng chép vào quốc sử như những anh hùng giải phóng dân tộc, lại vừa được dân xây đền thờ như những vị nhân thần.
Trong sách có nói đến những éo le của một bậc công nương vương giả qua nhân vật "Anne xứ Bretagne" - một công chúa hai lần trở thành hoàng hậu, thì ở bên ta có bà Dương Vân Nga hay Lý Chiêu Hoàng cũng chịu đựng thử thách khắc nghiệt tại những khúc quanh của lịch sử.
Trong sách có viết về cô bé Do Thái nổi tiếng nhờ những dòng nhật ký của mình chứa đựng cả một bản án sâu sắc về tội ác của chủ nghĩa phát xít thì Đặng Thùy Trâm cũng là một "Anne Frank Việt Nam", nhưng những dòng nhật ký của người bác sĩ quân giải phóng này lại chứa đựng một chủ nghĩa anh hùng vì những lý tưởng cao đẹp của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Còn về Những con vật làm nên lịch sử, F. Gersal đã sưu tập được cả một kho tàng vô cùng phong phú những câu chuyện kỳ thú gắn với những con vật đã không phai mờ trong ký ức dân gian cũng như trong các bộ chính sử của nhiều quốc gia.
Một thế giới động vật phong phú từ bò đến cá, từ chim đến chó, rồi gà, khỉ, gấu, ngựa, cú mèo đến thiên nga, voi, hổ, ong, ruồi, rắn... đã nhập vào tên tuổi các nhân vật như số mệnh, đã xuất hiện trong các sự kiện lịch sử hay đi vào văn hóa thông qua ngôn ngữ của các truyền thuyết, thần thoại...Ví như con ong trở thành biểu tượng của Napoléon, con sư tử gắn với tên của một vị vua nước Anh nổi tiếng, còn chim bồ câu cùng nhiều con vật khác đi vào lịch sử vì có mặt trên con thuyền Noé định mệnh giúp nhân loại sống sót sau cơn đại hồng thủy... Ngay trong thời hiện đại của khoa học công nghệ, tên tuổi của chó Laika gắn liền với lịch sử chinh phục vũ trụ của loài người...
Đọc những gì F. Gersal sưu tập về Những con vật đã làm nên lịch sử, chúng ta cũng có thể nghĩ đến "vật tổ" của dân tộc ta vẫn được gửi gắm trong hình tượng con rồng của nhân vật Lạc Long Quân hay "tô tem" về con giao long hoặc con chim lạc của người Việt thời dựng nước mà giới chuyên môn còn đang suy luận xem ứng với những loại động vật nào có thật trong thiên nhiên.
VN chúng ta từng có con rùa được phong thần (Kim Quy) trong hai truyền thuyết nổi tiếng gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước (tích An Dương Vương, Mỵ Châu - Trọng Thủy và tích trả gươm của vua Lê). Rồi con chim bồ câu đưa thư của Trần Nguyên Hãn, những con voi của hoàng đế Quang Trung...
Tôi muốn cách liên tưởng như những dẫn dụ ở trên sẽ giúp bạn đọc VN khi đọc hai cuốn sách này của F.Gersal tiếp tục tìm tòi những sự liên tưởng khác nữa để thấy sự gần gũi giữa mọi dân tộc trong lịch sử chung của nhân loại.
Khi đọc hai cuốn sách của tác giả người Pháp này, bạn đọc sẽ nhận ra những khác biệt để đặt ra những câu hỏi. Ví như: Vì sao một nhân vật như cậu bé Billy của nước Mỹ thời các cuộc chinh phục miền Viễn Tây lại có thể "làm nên lịch sử"? Vì cứ như cách nghĩ của người VN ta đó là một cậu bé hư hỏng, thậm chí còn trở thành kẻ tội đồ thì không thể trở thành tấm gương gắn liền với lịch sử...
Ấy là vì tác giả của sách muốn đưa ra một quan điểm - có thể phù hợp với cách suy nghĩ của người phương Tây về lịch sử - khác với người VN hay người phương Đông chăng? Và dường như mục đích chính của những điều viết ra không chỉ là sự bổ sung cho những tri thức. Vì thật ra có rất nhiều loại sách khác viết kỹ hơn về những nhân vật mà hai cuốn sách này đã nêu. Phải chăng mục đích chính của tác giả là để người đọc phải động não suy nghĩ tiếp, để từ cuốn sách có thể tìm hiểu những vấn đề mà chính mình đang quan tâm về lịch sử đất nước của mình, thời đại của mình - trong bối cảnh sự chia sẻ - để hướng tới những quan niệm chung của đời sống toàn cầu đang đặt ra.
Điều đó rất cần với chúng ta hiện nay, đặc biệt là thế hệ trẻ VN - "những đứa trẻ sẽ làm nên lịch sử trong một tương lai gần.