Có lẽ ai cũng biết sách là kho tàng tri thức của nhân loại, là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa cho trí tuệ và tâm hồn của con người. Vì vậy việc phát triển văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại. Đọc sách làm phong phú thêm kiến thức về khoa học, văn học, nghệ thuật, cũng như đời sống. Sách còn có tác dụng giải trí, giúp các em học sinh giải tỏa căng thẳng, áp lực trong học tập, giúp các em có thêm vốn từ ngữ, những bài học về giá trị sống và rèn luyện nhân cách.
Có thể nói, đọc sách là một thói quen rất có ý nghĩa, đặc biệt là đối với học sinh trong trường THCS . Để duy trì, phát triển văn hóa đọc giúp các em lĩnh hội các giá trị văn hóa xã hội, hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp thông tin, tiếp nhận tri thức, hình thành nên nhân cách cho các em. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, trước những trang mạng xã hội tràn lan các thông tin lệch lạc, phiến diện thì việc đọc sách có chọn lọc sẽ rất bổ ích, giúp các em tiếp nhận thông tin một cách thiết thực, đa chiều.
Có thể thấy rằng, để tạo cho học sinh có được thói quen tiếp xúc hàng ngày với tri thức mới qua những trang sách, thì việc xây dựng không gian văn hóa đọc trong các trường học là hết sức quan trọng. Ý thức được điều đó nhà trường đã có những phương pháp tổ chức thiết thực để khơi dậy văn hóa đọc trong học sinh, trong đó đặc biệt được chú trọng là việc phát triển và đổi mới hệ thống thư viện trường học. Để khuyến khích thói quen đọc sách cho các em học sinh hằng ngày ,Trường THCS Tả Thanh Oai đã triển khai nhiều giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa đọc sách trong học sinh, tạo “cầu nối” tri thức để học sinh trở thành những “công dân học tập”.
Để phát triển văn hóa đọc, xây dựng phong trào đọc sách sâu rộng, nhà trường đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc mà trường đã thực hiện hiện trong thời gian qua, như:
- Giới thiệu những quyển sách hay trong các tiết dưới cờ (nhân viên thư viện, giáo viên, học sinh). Mỗi tháng, nhân viên thư viện phối hợp với giáo viên bộ môn, học sinh các lớp, (như lớp chuyên Văn), tùy theo từng chủ đề, chủ điểm, lựa chọn các cuốn sách hay, giàu ý nghĩa để giới thiệu cho học sinh, hướng dẫn các em phương pháp đọc sách hiệu quả.
- Tiếp tục phát động sâu rộng trong học sinh các lớp tham gia các cuộc thi phong trào: Đại sứ văn hóa đọc, quyển sách tôi yêu,... Tiếp tục tổ chức các cuộc thi quay video, giới thiệu sách nhằm mang đến sân chơi hấp dẫn, thú vị, tránh đơn điệu, nhàm chán.
- Tiếp tục đổi mới hoạt động thư viện là yêu cầu cấp thiết hàng đầu để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Hình thức tổ chức và hoạt động thư viện được thường xuyên nghiên cứu để đổi mới, sáng tạo. Tạo không gian xanh để quá trình đọc sách diễn ra thuận lợi hơn, học sinh có nhiều cảm hứng và sự yên tĩnh để thẩm thấu giá trị mà sách mang lại. Thư viện được số hóa sách - tài liệu, thường xuyên cập nhật sách hay lên hệ thống website, fanpage của thư viện để học sinh có thể đọc trực tiếp bằng điện thoại, máy tính; thông qua các phương tiện nghe – nhìn.
Nhà trường tổ chức ngày hội đọc sách
Thư viện liên tục cập nhập những cuốn sách hay cho các
em học sinh
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần xác định phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ then chốt và lâu dài, có ý nghĩa quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của nhà trường. Xã hội có phát triển đến đâu thì việc đọc sách vẫn được đặc biệt coi trọng, đó là nhu cầu tinh thần không thể thiếu. Vì vậy, hãy coi những cuốn sách là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống bạn nhé!