Anh hùng Lý Tự Trọng “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng, còn được gọi tên khác là Huy. Lý Tự Trọng thông minh từ nhỏ, anh thông thạo nhiều thứ tiếng và say mê văn học cách mạng. Mười tuổi, anh sang Trung Quốc học tập và hoạt động trong hội “Thanh niên cách mạng đồng chí”. Năm năm sau, Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và làm liên lạc cho xứ Ủy Nam Kỳ với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chiều ngày 08/02/1931, Lý Tự Trọng nhận nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Phan Bôi - phụ trách tuyên truyền của xứ Ủy, đồng thời là trưởng ban tổ chức cuộc mítting kỷ niệm khởi nghĩa Yên Bái với nội dung kêu gọi liên minh công nông, yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm. Cuộc diễn thuyết của đồng chí Phan Bôi vừa kết thúc thì lính Pháp ập đến. Tên thanh tra mật thám Lơ Gơrăng vừa chực tới bắt đồng chí Phan Bôi thì Lý Tự Trọng rút súng lục bắn hắn liền hai phát để bảo vệ đồng đội. Lý Tự Trọng bị bắt ngay sau đó, anh bị tra tấn ngay trên đường phố và bị đưa về bót Catina. Dù bị tra tấn rất dã man nhưng anh vẫn không khai bất cứ điều gì ngoài cái tên Nguyễn Huy đã có trong bảng lương ở Sở Tham; bất lực trước ý chí của anh, giặc điên cuồng huy động hội đồng gồm những tên chuyên tra tấn tàn ác nhất đến hành hạ anh.
Vào một ngày cuối xuân năm 1931, Lý Tự Trọng từ bót bị kết án tử hình. Khi ấy anh mười bảy tuổi. Luật sư bào chữa cho anh xin tòa mở lượng khoan hồng vì anh chưa đến tuổi thành niên, nên đã hành động không có suy nghĩ.
Nhưng anh dõng dạc nói:
“ Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng…con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kỹ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi”. Tên thực dân Pháp hỏi anh có ăn năn gì không; Lý Tự Trọng đứng trước vành móng ngựa, mặt nghiêm nghị, ánh mắt nhìn thẳng phía trước, chỉ nói một câu: "Không ăn năn gì cả!"
Trong xà lim án chém Sài Gòn, Lý Tự Trọng oanh liệt sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Người ta đã viết về giờ phút cuối cùng của Lý Tự Trọng thế này: "Ngày 21/11/1931 thì Huy (tức Lý Tự Trọng) bị đem xử tử. Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đuờng phố, tiếng la hét của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã đi theo Huy ra trường chém. Phải điều quân đội và lính cứu hỏa để phun nước đàn áp họ. Trong những tường giam của khám lớn đã xảy ra những chuyện như thế. Trước máy chém, Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh kêu "Việt Nam! Việt Nam!".
Tinh thần quả cảm, hình ảnh hiên ngang bước lên máy chém và lời nói bất tử của Lý Tự Trọng trước lúc hy sinh in đậm trong trái tim mỗi đoàn viên, thanh niên chúng ta. Lời nói ấy là bản tuyên ngôn của thế hệ thanh niên đầu tiên được giác ngộ lý tưởng của Đảng, đã giục giã lớp lớp thanh niên lên đường đấu tranh tiếp bước.
Anh hùng Võ Thị Sáu : "Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ "
" Đã đảo thực dân Pháp ,Việt Nam muôn năm – Hồ Chí Minh muôn năm..."
Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu, quê ở xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị tham gia cách mạng khi mới mười bốn tuổi. Năm 1950, chị bị địch bắt sau khi ném lựu đạn giết hai chỉ điểm viên mật thám của địch. Tại phiên tòa đại hình lúc mới 16 tuổi, Võ Thị Sáu đã nói: "Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội". Quan tòa rung chuông ngắt lời chị, tuyên án: "Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản", chị thét lớn: "Ta còn mấy thùng rác ở khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!". Tiếp đó là tiếng hô: "Đả đảo thực dân Pháp! Kháng chiến nhất định thắng lợi!". Trước khi bị đưa đi hành án, chị bị đày qua các nhà tù Chí Hòa, Bà Rịa và Côn Đảo. Quân Pháp không dám công khai thi hành bản án đối với chị, họ đã lén lút đem chị đi thủ tiêu. Khi nhóm đao phủ bắt quỳ, chị quát lại: "Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!".
7 giờ sáng ngày 23 tháng 1 năm 1952, Võ Thị Sáu bị xử bắn tại Côn Đảo sau nhiều năm địch giam cầm, tra tấn không có kết quả. Đêm trước ngày ra pháp trường, chị hát những bài ca cách mạng: Lên đàng, Tiến quân ca, Cùng nhau đi hùng binh. Khi chị bị giải đi, các đồng chí trong ngục không ai bảo ai, cùng đứng dậy hát vang bài chiến sĩ ca - bài hát dành để bày tỏ lòng cảm phục, tiếc thương và tiễn đưa những người đồng đội ra pháp trường.
Ra đến pháp trường, chị nói: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng. Và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!”. Nói xong, chị bắt đầu hát bài Tiến quân ca. Khi lính xử bắn lên đạn, chị ngừng hát và hô vang những lời cuối cùng "Đả đảo bè lũ thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm!"
Mộ của Võ Thị Sáu hiện còn ở Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo. Những lớp người đời đời về sau còn nhớ ơn và hát mãi bài ca về chị:
“Chị Sáu đã hi sinh rồi
Giọng hát vẫn như còn vang dội
Vào trái tim những người đang sống
Giục đi lên không bao giờ nguôi”./.