Quốc tế thiếu nhi 1/6 là một ngày lễ thường niên dành cho các em nhỏ. Và đây cũng là dịp để thể hiện tình yêu thương của các bậc cha mẹ và gia đình với các con nhân ngày lễ đặc biệt này.
Thật đẹp khi chúng ta được bao chung quanh bởi sự ngây thơ, đáng yêu và những tiếng cười giòn tan vô tư của lũ trẻ. Để nhân loại hôm nay được ngắm nhìn sự hồn nhiên thơ bé ấy, nhân loại toàn thế giới của thời điểm 70 năm về trước đã phải rơi nước mắt. Đó chính là ngày lễ Quốc Tế Thiếu Nhi mồng 1 tháng 6 năm 1942. Ngày ấy trong lịch sử, những tội ác khủng khiếp đã giáng lên đầu những đứa trẻ ngây thơ, vô tội. Chính vì những điều ấy, nhân loại của toàn thế giới đã đứng lên, chung tay để đấu tranh và bảo vệ trẻ em. Và ngày 1 - 6 ra đời như một ngày kỷ niệm, tôn vinh cũng như gợi nhắc cho chúng ta về một quãng thời gian trong lịch sử mà những đứa trẻ không thể hồn nhiên như vốn có của chúng.
Trẻ em ngày nay được sống trong hòa bình, hạnh phúc với nên giáo dục tiến bộ. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em hôm nay vẫn đang phải vật lộn với cuộc sống từng ngày. Hãy cùng nhìn lại lịch sử về ngày Quốc Tế Thiếu Nhi 1 - 6 của ngày trước để thêm quý trọng cũng như để cố gắng gìn giữ nụ cười trẻ thơ của ngày hôm nay.
Lịch sử về ngày Quốc Tế Thiếu Nhi 1 - 6:
Vào rạng sáng ngày 1/6/1942, quân phát-xít Đức đã bao vây ngôi làng có tên Li-đi-xơ ở Tiệp Khắc. Chúng đã bắt 173 người đàn ông và đặc biệt là 196 người phụ nữ cùng trẻ em vô tội. Chính tại ngôi làng này, chúng đã ra tay giết hại một cách dã man 66 người, đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em nhỏ đã bị giết bằng cách tống vào các phòng hơi độc, 9 trẻ em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát-xít tàn ác. Sau trận thảm sát tàn bạo đó, làng Li-đi-xơ đã không còn một bóng người. Hai năm sau đó, vào ngày 10/6/1944, bọn phát-xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua của Pháp, chúng dồn 400 người vào trong nhà thời, trong số những người ấy có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em. Sau đó chúng phóng hỏa thiêu cháy toàn bộ. Đau thương trùm lên thị trấn này!
Đó là những tội ác không thể tha thứ của của bọn phát-xít. Bàn tay chúng đã nhuốm đầy máu của hàng trăm nghìn người vô tội và đặc biệt là những đứa trẻ vô tội, đáng thương. Căm phẫn trước những tội ác dã man của phát-xít Đức, cả loài người tiến bộ trên toàn thế giới đã đứng lên kịch liệt lên án, đấu tránh nhằm tiêu diệu chủ nghĩa này. Sau khi phát-xít Đức bị đánh bại, Nhà nước tiệp Khắc đã cho xây dựng lại ngôi làng Li-đi-xơ và Đài tưởng niệm để mãi mãi khắc sâu tội ác không bao giờ gột sạch của bọn phát-xít Đức đồng thời cũng để tưởng nhớ và tiếc thương cho những con người xấu số. Tháng 12 năm 1949, Liên hiệp Hội phụ nữ Á Phi họp ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đề nghị và được Liên đoàn phụ nữ Dân chủ thế giới nhất trí chọn ngày 1-6 hàng năm làm ngày Quốc tế Thiếu nhi. Điều này nhằm nhắc nhở nhân dân toàn thế giới nhớ đến vụ thảm sát Li-đi-xơ, Ô-ra-đua của bọn phát xít, và hành động để bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Tiếp đến,vào tháng 4 năm 1952 ở Viên (thủ đô nước Áo), cuộc họp quốc tế bảo vệ thiếu nhi đã được tổ chức. Hội nghị đã yêu cầu tất cả các Chính phủ các nước đặt ra những pháp luật cho nước mình nhằm đảm bảo hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em, đòi cấm dùng những phát minh khoa học vào mục đích chiến tranh.
Đến năm 1955, Đại hội các bà mẹ của hầu hết các nước trên thế giới họp tại Matxacơva, đã tố cáo bọn đế quốc âm mưu gây lại chiến tranh và kêu gọi các bà mẹ khắp năm châu xiết chặt thêm hàng ngũ đấu tranh cho một nền hoà bình bền vững trên đất nước.
Từ đó đến nay, những tổ chức phụ nữ thanh niên ở các nước đã chính thức lấy ngày 1-6 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống lại các thế lực xấu gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên toàn thế giới này.
Ở Việt Nam, từ sau thắng lợi của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 1-6 đã được tổ chức hàng năm. Ngày lễ Quốc Tế Thiếu Nhi đã trở thành cái tết của trẻ em Việt Nam, là ngày hội chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ măng non cho Tổ Quốc. Nhà nước Việt Nam cũng ban hành pháp lệnh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng, coi trách nhiêhm vẻ vang ấy là của toàn dân.
Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi trên toàn thế giới:
Năm 1954, nhằm khuyến khích các nước ghi nhớ về trẻ em và bảo vệ quyền lợi trẻ em, Liên Hợp Quốc đã đề xuất Ngày Thiếu nhi Thế giới tổ chức vào ngày 20/11 mỗi năm.
Theo Tri thức trẻ, cũng chính vào ngày này, nhiều sự kiện quan trọng về trẻ em trên thế giới đã diễn ra: Tuyên bố về quyền trẻ em (1959), Công ước về quyền trẻ em cũng được ký kết vào ngày này (1989), có hơn 191 nước phê chuẩn. Cần phải nói thêm, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em - một Văn kiện pháp lý Quốc tế quan trọng đầu tiên đề cập tới quyền trẻ em, dựa trên các nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Từ ngày 15/5 đến 30/6 được coi là Tháng Hành động vì Trẻ em Việt Nam.
Mặc dù đề nghị ngày 20/11, nhưng Liên Hợp Quốc lại để cho các quốc gia thành viên có thể tổ chức ngày Thiếu nhi của riêng nước mình vào các ngày tự chọn khác nhau. Và một số nước đã kỷ niệm chính ngày 20/11 ở chính quốc như: Canada, Úc, Parkistan, Ai Cập…
Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi ở Việt Nam:
Sau khi đất nước ta giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung Thu truyền thống vào 15/8 âm lịch hàng năm đã được tổ chức và trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi trong cả nước. Ngày hội Quốc Tế Thiếu Nhi đầu tiên (1/6/1950) nằm trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang ở thời kỳ cam go khốc liệt nhất. Tuy vậy nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi trên cả nước và Người không quên gửi thư chúc mừng đến toàn thể những thiếu niên, nhi đồng.
Trong thư, Bác viết: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháy rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng,…”. Lời thư của Bác đến nay đọc lại vẫn còn xúc động biết bao tâm hồn trẻ em cũng như những người trưởng thành.
Cũng từ đó, hàng năm cứ đến ngày Quốc Tế Thiếu Nhi 1/6 và Tết Trung Thu truyền thống, thiếu nhi trên cả nước lại hân hoan đón thư chúc mừng của Người. Người luôn dành hết tâm sức của mình để quan tâm, dạy bảo các cháu thiếu niên, nhi đồng nên người. Và “5 Điều Bác Hồ dạy Thiếu niên Nhi đồng” vẫn luôn in đậm trong tâm thức của trẻ em hôm nay, đó cũng chính là nội dung giáo dục với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.