“Hôm nay cháu đi học có vui không?” - một ông già đi cạnh tôi hỏi đứa cháu của mình. Tôi bỗng nghĩ tới ông nội, đã mười năm rồi tôi không gặp nội, và có lẽ đến năm thứ mười một, mười hai cũng sẽ chẳng gặp được nữa, bởi căn bệnh hen đã cướp nội đi mãi mãi... Nghĩ vậy, tôi nghe lòng mình man mác, vừa nhớ, vừa buồn, vừa thương nội biết bao! Mưa mỗi lúc một to, cứ rào rào mãi chẳng dứt. Hôm nay ông Trời có chuyện gì không vui mà khóc to thế? Hay thứ cảm xúc buồn bã kia cứ thổn thức trong tim khiến tôi nghĩ như vậy? Những giọt mưa kia dường như đang rơi vào trong lòng tôi, hoà vào dòng nước mắt bên trong khiến tâm trạng càng thêm nặng nề.
Cho đến khi thấy một dãy tiệm sách trước mặt, tôi mới nhận ra mình mải nghĩ quá nên không để ý xung quanh, đã đi đến phố Đinh Lễ rồi! Rẽ đại vào một tiệm sách, tên “Ngân Nga” - một cái tên thật đẹp. Tôi chọn cho mình quyển “Sự tích bông hoa cúc trắng” - câu chuyện nội từng kể cho tôi trước khi ngủ. Truyện kể về một cô bé có người mẹ bị ốm nặng, nhà thì nghèo, cô sợ hãi không biết phải mua thuốc chạy chữa như thế nào. Một hôm, có một ông cụ tóc bạc phơ nhận mình là thầy thuốc và ngỏ ý muốn chữa cho mẹ của cô, ông dặn rằng: “Bây giờ cháu cần đi đến gốc đa đầu rừng, hái cho ta một bông hoa trắng thật đẹp, mang về đây để ta làm thuốc. Cháu hãy yên tâm, mỗi cánh hoa trên bông hoa sẽ là một ngày mẹ cháu được sống thêm”. Nghe vậy, cô bé lẳng lặng vào rừng trong gió rét, đến gốc đa, cô nhẹ nhàng ngắt một bông hoa, tay nâng niu với ước mong tha thiết trong lòng, cầu cho mẹ tai qua nạn khỏi. Nhưng “Một, hai, ba,... hai mươi. Trời ơi, chỉ còn hai mươi ngày nữa thôi ư?...”, suy nghĩ một lát, cô nhẹ tay xé mỗi cánh hoa ra thành nhiều sợi. Bông hoa trở nên kì lạ, mỗi sợi nhỏ biến thành từng cánh nhỏ dài và mượt, trắng tinh khiết như tấm lòng ngây thơ trong sáng của cô. Những cánh hoa mọc thêm ra nhiều không sao đếm được! Cô vui sướng đem bông hoa kì lạ đó về nhà, vừa đúng lúc mẹ cô đã được chữa khỏi. Thì ra, bông hoa trắng muốt ấy chính là phần thưởng của ông cụ dành cho tấm lòng hiếu thảo của cô bé. Từ đó hàng năm, về mùa thu, trên khắp phố phường thường nở những bông hoa có nhiều cánh nhỏ dài mượt, trông rất đẹp. Đó chính là bông hoa cúc trắng. Câu chuyện đã kết thúc mà thanh âm trầm ấm của giọng nội khi kể chuyện cứ vang mãi trong tâm trí tôi. Phải chăng lần này không đơn thuần là đi mua sách, mà là tôi đang mua những kỉ niệm? Ước gì những bông hoa cúc còn sót lại của mùa thu kia cũng có phép lạ như vậy, để nội được sống mãi với tôi thì hay biết mấy…
Bước ra ngoài hiệu sách, đập vào mắt tôi là một dãy xe đạp chở đầy hoa. Sắc vàng rực rỡ của hoa hướng dương, sắc đỏ tươi thắm của hoa trạng nguyên khiến không gian ảm đạm sau cơn mưa như bừng sáng. Giữa rừng hoa của mùa đông ấy, chợt tôi thấy một bó hoa cúc trắng. Chẳng phải đó chính là những bông hoa cuối cùng của mùa thu đã qua hay sao? Trong lòng reo lên vui sướng, tôi liền mua bó hoa kia về tặng mẹ, sở dĩ là vì tháng 11 này vô cùng đặc biệt đối với mẹ tôi. Nhắc tới cái tháng lập đông này, ta không thể không nghĩ tới ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày tôn vinh các thầy cô - những người cha, người mẹ thứ hai của thế hệ học trò. Mẹ tôi cũng là một giáo viên đã hơn 25 năm tâm huyết với nghề, bà dạy bảo và chăm sóc biết bao thế hệ học sinh, trong đó có cả tôi. Hình ảnh mẹ đứng trên bục giảng với những bài giảng tâm huyết đã in sâu trong tâm trí, truyền cảm hứng cho tôi học tập, rèn luyện chăm chỉ mỗi ngày. Mong rằng, một ngày không xa, tôi sẽ có thể thực hiện ước mơ trở thành một cô giáo của mình, bước chân vào cánh cổng trường Đại học Sư phạm trước ánh mắt đầy tự hào của mẹ.
Chiều hôm ấy, sau một ngày làm việc vất vả, mẹ về nhà thì thấy bó hoa và tấm thiệp tôi viết đặt ngay ngắn trong phòng, khuôn mặt mệt mỏi lúc nào đã nở một nụ cười ấm áp. Nụ cười ấy càng rạng rỡ hơn khi mẹ nhìn thấy một gói quà được bọc cẩn thận bên cạnh bó hoa, đó chính là cuốn “Sự tích bông hoa cúc trắng". Nhìn mẹ mân mê quyển sách tôi tặng trên tay với nụ cười sung sướng, tôi tự nhủ với bản thân rằng mình phải luôn ngoan ngoãn, cố gắng học thật tốt để được thấy nụ cười ấy nhiều hơn nữa…