Học bơi và cứu đuối không cần xuống nước
Theo TS Phạm Anh Tuấn, những người không biết bơi khi rơi xuống nước thường hoảng loạn, đập chân tay rất mạnh nên mất sức và bị chìm, ngạt thở và chết đuối. Ở dưới nước, nếu bình tĩnh con người sẽ có được trung tâm trọng lực cân bằng. Hai lá phổi chứa không khí là trung tâm lực nổi, khi rơi xuống nước tuy trọng lực kéo xuống, nhưng nhờ buồng phổi chứa 6 – 8 lít không khí nên sẽ đẩy chúng ta về tư thế úp - tư thế của trọng lực nổi, giúp đầu người nổi gần sát mặt nước.
Ở dưới nước, trọng lượng sẽ giảm đi, nếu chìm ở ngang thắt lưng trọng lượng còn 50%, chìm tới cổ trọng lượng mất 90%. Chìm trong nước càng sâu thì càng nổi, không nặng như trên mặt nước. Nghĩa là khi rơi xuống nước ở độ cao nhất định thì nước sẽ đẩy con người lên trên mặt nước, chứ không dìm xuống. “Con người được tạo hóa ban cho hai chân, hai tay tương tự các mái chèo, lại có phao, thế mà vẫn bị chết đuối. Đó là vì họ hoảng loạn, vùng vẫy nên bị rơi khỏi trung tâm lực nổi an toàn, mất cân bằng và chìm xuống mà không sử dụng những thứ tạo hóa đã ban tặng”, ông Tuấn nói.
Học phòng chống đuối nước, học bơi không nhất thiết phải xuống nước, mà có thể học trên cạn với những kiến thức, thực hành về môi trường sông nước, cơ thể với nước… và mọi thứ ở trên bờ, với các nguyên lý, động tác thành thạo rồi mới xuống nước.
Bài học đầu tiên là học thở. Ở nhà có thể lấy cho trẻ một chậu nước, đặt vừa tầm và bắt trẻ hít một hơi sâu rồi nhúng mặt ngập vào nước, sau đó thở từ từ ra bằng mũi. Khi gần hết hơi thì từ từ nghiêng mặt quay cổ ngang sang phải, hoặc trái để mũi miệng nhô khỏi mặt nước, há miệng thở vào sâu rồi lại úp mặt xuống nước và thở ra từ từ dưới nước. Chỉ cần cho trẻ rèn luyện thuần thục bài học này khi rơi xuống nước, trẻ sẽ ít có nguy cơ bị chết đuối.
Ở dưới nước nếu chưa biết bơi hãy tập lấy tay bịt mũi, nín thở trong 5 – 7 giây để không bị sặc nước, đồng thời thả lỏng cơ bắp để nước đẩy đầu nổi lập lờ sát mặt nước. Tiếp đó là dùng tay hoặc chân để quạt/đạp nước nhô đầu lên thở phì nhanh ra rồi há to miệng thở vào. Khi người rơi trở lại xuống nước, lại nín thở đợi nước đẩy nổi lên, rồi lại quạt tay/đạp chân thở ra thở vào… Với cách này, người không biết bơi có thể tồn tại lâu dưới nước chờ người đến cứu.
Bài học thứ hai là giúp trẻ không hoảng loạn. Để giúp trẻ không hoảng loạn khi rơi xuống nước, ở nhà cha mẹ có thể luyện kỹ năng thoát hiểm ngay trên cạn cho trẻ với các động tác sau: Hãy xả nước lên đầu, lên mặt, để trẻ biết cảm giác nước bắn vào mắt, vào tai, vào miệng. Sau đó thả mình vào bồn tắm đầy nước để cảm nhận sự bập bềnh của cơ thể trong nước. Hãy nín thở, nhúng đầu chìm vào chậu nước để biết cảm giác đầu, mặt, mũi chìm trong nước không đáng sợ. Sau đó tập thở ra bằng mũi khi đầu chìm vào chậu nước, thở vào bằng miệng khi nghiêng đầu nhô khỏi chậu nước…
Tất cả những bước trên đều có thể luyện tập dần dần trên cạn, và có thể giáo dục cho trẻ từ khi còn ở trường mầm non.
Hiện E- Bơi đang có chương trình dạy “phòng chống chết đuối cho người không biết bơi” với phương pháp dễ áp dụng, không cần xuống nước. Người không biết bơi sẽ yên tâm hơn khi ở môi trường nước. Trẻ chỉ cần học 5-10 tiết/năm (chính khóa hoặc ngoại khóa) về phòng chống chết đuối (có thể lặp lại trong những năm học đầu đời của trẻ) là các em sẽ bảo vệ mình tốt hơn ở sông nước. Đồng thời giúp trẻ nhận biết, phát hiện, phòng tránh môi trường sông nước nguy hiểm ở nơi sinh sống và học tập; giúp các em học cách ứng xử, rút kinh nghiệm từ những tai nạn đáng tiếc, dạy các em biết những điều nên làm và không nên làm khi gặp sự cố sông nước.
Cứu người đuối nước
Cũng theo TS Phạm Anh Tuấn, ngay cả khi có thể phổ cập dạy bơi, thì biết bơi cũng không phải là biện pháp hiệu quả để phòng chống chết đuối, bởi có nhiều người lớn bơi giỏi vẫn chết đuối.
Trở lại câu chuyện thương tâm 8 học sinh Trường THCS An Mỹ bị thiệt mạng khi đi chơi ở hồ Tuy Lai được biết, trong số 8 nữ sinh xấu số có em Trần Thị Hồng Thơm, học sinh lớp 8B bơi rất giỏi do nhà ven sông Đáy, cô bé Thơm từng được gọi là một vận động viên bơi lội. Nhiều người còn cho biết khi còn sống, Thơm đã từng bơi được từ bên này sang bên kia sông Đáy. Mặc dù vậy, Thơm vẫn bị thiệt mạng do bị các bạn trong lúc hoảng loạn đã bám chặt và không nổi lên được.
Lý giải điều này, các chuyên gia cứu hộ cho rằng một người đang chết đuối khi vớ được vật gì đó họ sẽ bám rất chắc, sức mạnh đó có thể kéo chìm ngay cả những người bơi rất giỏi. Ngoài ra, nếu dòng nước dơ bẩn còn ẩn chứa những nguy hiểm như rác kim loại sắc nhọn hay nước lạnh có thể làm cho cơ co cứng (vọp bẻ) rất nhanh. Vì vậy, kỹ thuật cứu người đuối nước là rất quan trọng.
Như tất cả những biện pháp sơ cứu khác, điều quan trọng là người biết bơi phải bảo vệ chính mình trước. Hãy chắc chắn mình an toàn trước khi cố cứu một người chết đuối. Chỉ vớt nạn nhân từ những nơi đất cứng an toàn bằng cây sào hoặc dây thừng hoặc những dụng cụ nổi để giúp họ lên bờ. Trong trường hợp nghĩ mình không có khả năng cứu được người đuối nước thì nên gọi sự giúp đỡ từ người khác ngay lập tức.
Nếu không may rơi xuống nước, nguy hiểm đến tính mạng, thực hiện theo 4 bước sau đây sẽ giúp bạn có cơ hội sống cao hơn:
- Không quẫy đạp mạnh để tránh mất sức và nhanh chìm.
- Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, để mặc nước đẩy người nổi dần lên, trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước.
- Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước nghiêng đẩy đầu nhô khỏi mặt nước (hoặc quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng).
- Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi hoặc bằng mồm.
|