Dự chương trình có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải; Phó Trưởng chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cứu; các vị lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành TP, các đơn vị kết nghĩa...
Thanh Trì – Huyện Anh hùng
Trình bày diễn văn tại buổi lễ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong cho biết, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7/5/1954 và Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 20/7/1954, đến ngày 6/10/1954, Thanh Trì được hoàn toàn giải phóng. Ngày 10/10/1954, Nhân dân huyện Thanh Trì cùng Nhân dân TP Hà Nội hân hoan đón mừng ngày Giải phóng Thủ đô, kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Để ghi nhận những thành tích của Nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện Thanh Trì, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Thanh Trì và 13 xã: Đông Mỹ, Tả Thanh Oai, Đại Áng, Thanh Liệt, Tân Triều, Ngọc Hồi, Tam Hiệp, Vạn Phúc, Hữu Hòa, Vĩnh Quỳnh, Liên Ninh, Duyên Hà, Ngũ Hiệp.
Hoà bình được lập lại, năm 1954, một bộ phận lớn các xã phía bắc huyện Thanh Trì trở thành quận, các xã còn lại giữ tên là huyện Thanh Trì, thuộc tỉnh Hà Đông cũ. Ngày 31/5/1961, theo Quyết định số 78/CP của Hội đồng Chính phủ, 10 xã của quận 7 Hà Nội hợp nhất với 11 xã và 1 thị trấn của huyện Thanh Trì (thuộc tỉnh Hà Đông cũ), thành lập huyện Thanh Trì…
Hiện nay, huyện Thanh Trì có 15 xã và 1 thị trấn. Trên địa bàn có 154 di tích lịch sử, văn hóa và 45 lễ hội truyền thống; vùng đất sản sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, danh tướng anh hùng như: Đô hồ Đại vương Phạm Tu, Tiên triết Chu Văn An - Người thầy muôn đời, Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh, Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, danh nhân Ngô Thì Nhậm. Ngoài ra, Thanh Trì còn là quê hương của nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười; nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đầu tiên Đỗ Ngọc Du; nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Vương Thừa Vũ... và nhiều chiến sĩ cộng sản tiêu biểu, mãi mãi là niềm tự hào của quê hương, đất nước.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Nhân dân Thanh Trì vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xây dựng hậu phương, luôn làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng vì miền Nam ruột thịt. Huyện vinh dự có 10 lần được đón Bác Hồ về thăm, chúc Tết và tặng quà; có gần 10.000 tập thể và cá nhân được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương và Bằng khen; 5 chiến sĩ tiêu biểu được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; 143 chiến sĩ được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 213 chiến sĩ được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, 119 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tất cả 16/16 xã, thị trấn và huyện Thanh Trì đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, một thành tích mà ít địa phương nào có được.
Huyện đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Trì đã tranh thủ thuận lợi, vượt qua khó khăn đạt được nhiều thành tựu quan trọng với những chuyển biến tích cực.
Về phát triển kinh tế, tổng giá trị sản xuất bình quân trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2023 tăng 12,4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 77,6 triệu đồng/năm, tăng 15,6 triệu đồng so với năm 2020 (đạt 97% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ 80 triệu đồng/người/năm). Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt dự toán TP giao, năm sau cao hơn năm trước.
Năm 2023, huyện có 08 xã được công nhận điểm đến du lịch, làng nghề Hà Nội. Về tiến độ thực hiện Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận, tính đến nay toàn huyện đã đạt 33/34 tiêu chuẩn, còn 01/34 tiêu chuẩn chưa đạt (Cân đối thu chi ngân sách).
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, quản lý và phát triển đô thị, đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Tỷ lệ giải ngân trung bình hàng năm đạt 96,7% đều cao hơn mức giải ngân trung bình của TP.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Toàn huyện có 68/73 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 93,2% (vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ 11,2%), là huyện có tỷ lệ trường chuẩn trong tốp đầu của TP; ngành giáo dục và đào tạo đứng thứ 12/30 quận, huyện, thị xã. Về cải cách hành chính, hiện nay huyện Thanh Trì đứng thứ 5/30 quận, huyện, thị xã về chỉ số cải cách hành chính.
Về kết quả công tác xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể, vai trò lãnh đạo của Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ và cấp ủy các cấp trên mọi lĩnh vực được khẳng định. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể được đổi mới, thiết thực, tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), từ năm 2010, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thanh Trì đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Sau gần 14 năm phát động phong trào xây dựng NTM, đến nay toàn huyện đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình tiêu biểu, điển hình trên tất cả các lĩnh vực.
Kết quả, năm 2015, 100% các xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM. Năm 2017, huyện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn NTM, trở thành một trong 3 huyện cán đích chuẩn NTM sớm nhất TP và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3.
Năm 2022, toàn huyện có 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và năm 2023, có 15/15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thị trấn Văn Điển đạt chuẩn đô thị văn minh (về đích trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội). Ngày 30/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận huyện Thanh Trì đạt chuẩn NTM nâng cao. Thanh Trì trở thành huyện đầu tiên của TP Hà Nội được công nhận Huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Những thành quả đáng ghi nhận đó là thước đo sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự đoàn kết đồng tâm hiệp lực của các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp, huy động tốt các nguồn lực làm nên sức mạnh tổng hợp.
Sớm xây dựng huyện lên quận
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Trì trong quá trình xây dựng NTM nâng cao thời gian qua.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết: Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tới năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Thanh Trì sẽ trở thành một quận của Thủ đô với tốc độ phát triển nhanh; là đầu mối giao thông quan trọng giữa Thủ đô với các tỉnh phía Nam của đất nước với các tuyến đường giao thông huyết mạch, có tính kết nối vùng. Đây là những định hướng quan trọng để thủ đô Hà Nội nói chung, huyện Thanh Trì nói riêng tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới; cũng là tiền đề quan trọng để huyện đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại dịch vụ, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, quan tâm đến công tác giáo dục, y tế, chất lượng môi trường sống, đặc biệt phát triển đô thị theo hướng văn minh, sớm xây dựng huyện lên quận.
Để thực hiện được điều đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Trì thực hiện tốt một số nội dung: Thứ nhất, từ nay đến hết nhiệm kỳ, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung rà soát, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình mà thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị và các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình công tác của Thành ủy, HĐND, UBND TP đã đề ra, phù hợp với điều kiện của địa phương cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 đề ra.
Thứ hai, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện. Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển các ngành kinh tế của huyện, đặc biệt là thương mại, dịch vụ, logistics...
Thứ ba, tập trung quyết liệt thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận, phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành sớm nhất tiêu chí Tự cân đối thu, chi ngân sách và các tiêu chuẩn xã thành phường; đồng thời tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn đã đạt.
Thứ tư, rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, mục tiêu, Chương trình, kế hoạch mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, tìm giải pháp, nỗ lực quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24, góp phần thực hiện Nghị quyết đại hội 17 Đảng bộ TP và Nghị quyết đại hội 13 của Đảng. Tập trung chỉ đạo quán triệt, triển khai Chỉ thị số 35, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 258 ngày 15/7/2024 của Thành ủy về tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu lần thứ 18 Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2025-2030.
Thứ năm, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh nông thôn trên địa bàn.
“Với truyền thống quý báu của quê hương và những thành quả đã đạt được cùng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, Thành ủy Hà Nội tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Thanh Trì sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm thêm truyền thống Anh hùng cách mạng của của quê hương, vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.