Tháng 3, về Quỳnh Nhai, khắp các ngả đường, triền đồi được tô điểm bằng màu đỏ rực của hoa gạo, tạo nên một bức tranh thiên nhiên sinh động. Với người dân nơi đây, khi hoa gạo bung nở cũng là lúc đất trời chuyển sang hạ, báo hiệu một vụ mùa mới...
Dọc quốc lộ 6B từ xã Chiềng Khoang lên cầu Pá Uôn, rất dễ bắt gặp phong cảnh thơ mộng bên vùng sông Đà được tô điểm bởi sắc đỏ hoa gạo như những đốm lửa. Nét đẹp mộc mạc của loài hoa này tựa như lối sống giản dị, gần gũi và mến khách của bà con các dân tộc nơi đây. Bởi vậy, vài năm trở lại đây, cứ độ tháng 3, hoa gạo nở rộ khoe sắc thắm thu hút rất đông du khách tới chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm.
Còn chị Nguyễn Trang Nhung, thành phố Sơn La, chia sẻ: Tôi nghe bạn bè kể, thời điểm này, hoa gạo đang nở rộ ở ven sông Đà rất đẹp, nên tôi vào đây để được tận mắt ngắm nhìn. Tôi đã chụp được bức ảnh đẹp về hoa gạo, để chia sẻ lên facebook cho bạn bè cùng chiêm ngưỡng và biết đến mảnh đất này.
Hoa gạo còn có tên gọi mỹ miều là Mộc miên hay Pơ lang, với 5 cánh lớn dày. Những cái tên chỉ thoáng nghe qua thôi cũng đủ khơi gợi trong mỗi chúng ta nhớ đến những áng văn thơ, những lời hát say đắm lòng người. Không giống như những loài cây khác, cây gạo mọc lên đã mang trên mình gai góc. Khi vươn cao đến một khoảng nhất định, cây gạo mới trổ cành vươn ra xung quanh. Cả mùa đông, thân cây gạo khô khốc chẳng còn một chiếc lá nào, đến khi mùa xuân về, cây mới căng tràn sức sống, hoa nở bung đỏ cả một khoảng trời.
Hoa gạo không chỉ tô đẹp cho núi rừng Tây Bắc, từ xa xưa, bông gạo còn được phụ nữ dân tộc Thái dùng để may đệm làm quà tặng cho gia đình nhà chồng khi về làm dâu, thể hiện tấm lòng và sự đảm đang, khéo léo. Không chỉ vậy, trong Đông y, nhiều bộ phận của cây gạo, như hoa, vỏ cây, rễ còn được sử dụng làm thuốc...
Về Quỳnh Nhai bây giờ, du khách không những được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, du lịch trải nghiệm lòng hồ sông Đà, văn hóa tâm linh... mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc của hoa gạo vùng sông nước mến khách này.