Bìa cuốn sách là hình ảnh những bông sen khoe sắc tỏa hương trên nên xanh trắng dịu nhẹ với lời tựa “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người và đi vào đời…”. Tác giả “Búp sen xanh” – nhà văn Bùi Sơn Tùng có bút danh Sơn Tùng, Sơn Phong. Ông sinh năm 1928 tại làng Hoa Lũy, Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1971 ông dời quân ngũ trở về trên người đầy thương tật nhưng với sự cố gắng phi thường, bất chấp bệnh tật ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm mà đỉnh cao là “Búp sen xanh” – hoàn thành năm 1980.
Cuốn “Búp sen xanh” với bố cục gồm ba chương đã đem đến cho người đọc những trang viết sinh động về thời thơ ấu, thời niên thiếu và tuổi hai mươi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Búp sen xanh” là câu chuyện kể về cuộc đời của vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của Dân tộc ta. Người sinh vào một mùa sen nở tại làng Chùa (Hoàng Trù), Nghệ An trong một gia đình nhà nho yêu nước với ba chị em. Người được ông ngoại – cụ Hoàng Xuân Đường đặt tên là Nguyễn Sinh Côn tự Tất Thành. Cụ nói “Theo mong ước của tôi thì thằng bé sẽ có trí vùng vẫy bốn bể, gặp truân chuyên chìm nổi nhưng ắt thành công”. Cái giờ phút cha Người đặt cây bút viết dòng chữ Nguyễn Sinh Côn tự Tất Thành – hương trầm, hương sen như lan tỏa khắp gian nhà và hội tụ vào ngòi bút.
Vào dịp tết trung thu, thay vì được mua đồ chơi mà lòng ao ước, cậu bé Côn được cha mua cho hai quyển sách và rằng: “Để cho con hòm vàng đầy không bằng dạy con một quyển sách… Nuôi con phải dạy con biết đọc sách vì trong sách có vàng ngọc”. Cậu bé Côn cũng thấm nhuần lời mẹ dạy: “Chữ là mắt. Người không có chữ coi như là người mù ở thế gian”
Lên tám tuổi, cậu bé Côn đã thể hiện sự thông minh vượt trội, một trí nhớ khác thường với đám bạn, cậu đón nhận tin vui có em trai. Ở tuổi lên mười với bao ước mơ bình dị, mơ áo mới, nồi bánh tét với tiếng pháo giao thừa ngày Tết nhưng thật đau buồn vì nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời Người ập đến. Ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10-2-1901) , kinh thành Huế nhuốm màu ảm đạm như chia sẻ nỗi đau của Người về sự ra đi vĩnh viễn của mẹ. Đọc đến đây chắc hẳn người đọc sẽ không cầm được nước mắt trước cảnh Người ngồi bế em bên bàn thờ mẹ quạnh quẽ và đơn đọc trong ba ngày Tết chẳng có ai than thích ở gần. Cha và anh đi coi thi Hương ở Thanh Hóa chưa về. Mẹ mất, em lâm bệnh nặng và đôi mắt thơ ngây của em như hai chấm đen ánh lên lần cuối cùng rồi lặn vào vĩnh viễn. Kìm lại nỗi đau vợ và con út nằm lại vĩnh viên bên bờ sông Hương, ba cha con ông cử Sắc trở về quê. Ở đây cậu bé Côn thường được nghe cha đàm đạo về vận mệnh dân tộc và nỗi đau mất nước với các nhà cách mạng, tiêu biểu là cụ Phan Bội Châu. Từ đó Người thấu hiểu cần quét hết bọn Tây dương ra khỏi bờ cõi, thấm dần ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó cũng là cơ sở hun đúc lên trí tuệ, tình cảm và nghị lực của thiên tài Hồ Chí Minh sau này.
Nhà văn Sơn Tùng đưa ta đến với những năm tháng niên thiếu của Người, ta cảm nhận được hình ảnh của Người rõ nét, in đậm với những bản lĩnh mới, luồn tư tưởng mới, trỗi dậy tình yêu Tổ quốc, Dân tộc. Đường làng ngào ngạt hương, ba cha con Phó bảng Sắc từng bước bịn rịn trở lại Huế lần thứ hai với những tên mới: Cha Nguyễn Sinh Huy, anh Nguyễn Tất Đạt, và cậu bé Côn với tên Nguyễn Tất Thành. “Thu sang! Huế mơ màng”. Mùa thu năm 1906, Nguyễn Tất Thành bận tâm nhiều với không khí âm ỉ của cuộc vận động chống Pháp do các sĩ phu yêu nước nhen lên. Lòng xốn xang với thời cuộc, trăn trở với lá thư từ chị gái.
Một tháng tư năm 1908 – Tất Thành cùng nhóm học sinh Quốc học đi trong đội ngũ những người đấu tranh đòi quyền sống, dùng tiếng Pháp hô lên những khẩu hiệu: Bỏ sưu, giảm thuế, cần tự do, cần cơm áo, cần sống yên ổn trên quê hương xứ sở. Không thể thờ ơ trước cảnh đồng bào mình bị chà đạp, Người quyết định dời Huế, muốn đi xa hơn nữa. Đi để biết, để học, để rồi làm một việc gì đó có ích cho dân mình, nước mình. Trong hoàn cảnh long đong hoạn nộ của gia đình, một cuộc dịch chuyển có ý thức về phương Nam của chàng trai xứ Nghệ đã diễn ra từ từ nhưng liên tục. Lúc đầu là kinh thành Huế, đến Quảng Ngãi, Bình Định, dấu chân in xuống đất cực Nam Trung Bộ, tạm dừng ở Phan Thiết dạy học tại trường Dục Thanh. Người thầy Nguyễn Tất Thành với tình yêu bao la đã giúp đỡ một học trò bằng chính tiền giảng phí của mình để trò mua thuốc cho mẹ. Thầy nghĩ đến việc lập thư viện để học trò có nhiều sách học, dạy các em hai chữ thiêng liêng “Đồng bào”.
Thị xã Phan Thiết tắm nắng hoàng hôn. Thầy giáo Thành đi dạo phố và cuộc gặp gỡ không hẹn trước vói người bạn cùng chí hướng diễn ra. Hai người kết tình thân và Người với tên thân mật – Văn Ba. Hòa với những thăng trầm trong cuộc đời của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, ta cảm nhận được “Cả những nét bình thường, gần gũi mà ai cũng thấy được cái vĩ đại của Người”. Với ước mơ một ngày mai nước nhà độc lập tự do, người thầy Nguyễn Tất Thành quyết định chia tay ngôi trường Dục Thanh để đi theo tiếng gọi của lý tưởng. Ra đi thầy để lại thư cho học trò “Các trò thân yêu… thầy phải đi xa, đi rất xa. Ước mơ một ngày mai nước nhà độc lập tự do kêu gọi thầy dấn bước ra đi… Thầy ra đi nhưng lòng vẫn hằng mong các em là những trò giỏi của trường, con ngoan của gia đình, ra đường biết kính người già, nhường người trẻ, yêu quý mọi người… Thầy đi xa, lòng vẫn nhớ, vẫn gần các trò. Thầy không kịp mua sách, thầy để lại hai đồng bạc góp vào quỹ thư viện trường Dục Thanh của chúng ta”.
Bước sang tuổi 20 Người càng trầm tư xót xa trước cảnh cơ hàn của dân ta. Đây là gia đoạn đánh dấu một bước ngoặt, một chuyển biến ớn không chỉ đối với Người mà còn với cả dân tộc. Từ những ngày đầu đến Sài Gòn, Người luôn luôn tìm hướng đi ra một phương trời xa khác để thực hiện ước mơ lớn nhưng vẫn canh cánh bên lòng việc đi tìm gặp cha. Tại Sài Gòn, Người thanh niên Văn Ba đã làm đủ mọi việc: từ phu kéo xe đến khuân vác rồi dạy học trò xóm thợ bến Nhà Rồng. Người nói: “Khi con người ta có học thì cũng sẽ có lòng tự trọng cao và biết sống sao cho đáng sống, biết cư xử giữa người với người, đỡ phần tăm tối”.
Cơn mưa đen tháng sáu dấy lên, sương sớm phủ nóc Nhà Rồng, anh Ba bước từng bước ung dung, mắt nhìn thẳng phía trước với niềm tin ở tương lai, tin vào tiền đồ của Dân tộc. Con tàu chở anh Ba mờ mờ phía chân trời. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, thời khắc lịch sử tại bến Nhà Rồng, người công nhân đầy ý chí, hoài bão lớn – Văn Ba đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi đêm dài nô lệ. Gập lại cuốn sách ta như vẫn thấy hình tượng Bác – một hình tượng để lại dấu ấn cho biết bao tâm hồn. “Búp sen xanh” với lối viết chân thực, dung dị, ngôn từ dễ hiểu, giàu sức gợi cảm, cốt truyện nhẹ nhàng, kết hợp các câu thơ cổ, một số hình ảnh vẽ minh họa, góp phần làm sinh động chi tiết hình ảnh về Bác khiến người đọc tái hiện cụ thể, chân thực cuộc được hoạt động cách mạng của vị lãnh tụ kính yêu.
Qua tác phẩm, nhà văn Sơn Tùng đề cao sức mạnh của “Sự noi gương” đưa văn học góp phần cải tạo xã hội. Cuốn “Búp sen xanh” với mã số TK1086 đã được thầy và trò trường THCS Tả Thanh Oai đón đọc và gìn giữ như hành trang quý giá trong việc xây dựng văn hóa, nhân cách con người. Mong rằng qua lời giới thiệu của tôi hôm nay quý vị độc giả sẽ đến với tác pẩm “Búp sen xanh” để cảm nhận giá trị nội dung, nghệ thuật và đặc biệt là giá trị tư tưởng to lớn của tác phẩm. Và nếu có dịp mời quý vị ghé vào thư viện trường THCS Tả Thanh Oai chúng tôi để cùng thắp sáng ngọn đèn bất diệt của sự thông thái.