“Bạn đã bao giờ lướt bản tin quên ăn quên ngủ, giật mình thức giấc vì tiếng chuông thông báo của một ứng dụng, hay đứng ngồi không yên vì không được dùng điện thoại?” Khi đọc những dòng đầu tiên ghi trên bìa sau cuốn sách, tôi đã giật mình vì những lời mô tả này vô cùng giống với tình trạng của bản thân hiện tại. Một cuốn sách lôi cuốn từ những trang đầu tiên, một cuốn sách thực tế với nội dung được trau chuốt và trình bày rõ ràng, logic… Tất cả góp phần tạo nên một “gương mặt” riêng, một “giọng nói” riêng của Cal Newport trong chủ đề đang thu hút nhiều sự quan tâm này.
Là một người thích cách trình bày sách khoa học, tôi thực sự hài lòng với cách sắp xếp mục lục rõ ràng của tác phẩm. Trước hết, phần “Lời giới thiệu”, đối với tôi, trong bất kỳ cuốn sách nào – đều là yếu tố quan trọng quyết định xem độc giả có muốn đọc tiếp hay không. Và, trong trường hợp này, lời mở đầu với sức lôi cuốn riêng của nó đã dẫn dắt tôi vào thế giới của tác giả một cách tài tình. Như một bài tâm sự, tác giả chỉ rõ vì sao mình quyết định đào sâu tìm hiểu về tác động của công nghệ đối với cuộc sống cá nhân của con người, chứ không chỉ dừng lại ở phương diện công việc như cuốn sách “Deep Work” trước đó. Từ một người không có thói quen lướt mạng quá nhiều, là một trong số hiếm hoi các thành viên thế hệ mình không bao giờ lập tài khoản xã hội cho đến việc hoàn thành vô cùng chỉnh chu cuốn sách nói về tầm ảnh hưởng của công nghệ số tới con người, Cal Newport thật sự khiến tôi phải quyết tâm đọc tác phẩm trước hết bằng sự trân trọng và cảm phục với sự tỉ mẩn và kỳ công mà ông bỏ ra. Không phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ số, nhưng nhìn nhận vào tác hại của nó một cách trực diện, đồng thời đưa ra một vài chủ nghĩa khác nhau khi sử dụng công nghệ số, tác giả đã khéo léo giới thiệu về chủ nghĩa tối giản số mà mình muốn truyền đạt. Từ đó, ông đưa ra nội dung vô cùng chi tiết và cụ thể của từng phần tiếp theo trong cuốn sách và mỗi chương trong từng phần đó, hay nói cách khác, giống như hướng dẫn độc giả quy trình đọc tác phẩm của mình sao cho hiệu quả nhất. Chính điều này đã để lại ấn tượng đầu sâu sắc và khiến tôi vô cùng hứng thú.
Bước vào khai phá nội dung chính của cuốn sách, như đã giới thiệu ở lời mở đầu, tác phẩm chia thành hai phần: Phần 1 – “Các nền tảng” mô tả về các nền tảng triết lý của chủ nghĩa tối giản số và phương pháp vận dụng triết lý này: 30-day Digital Declutter (Dọn dẹp không gian số), Phần 2 – “Thực hành” bàn kỹ hơn về một số ý tưởng có thể giúp bạn xây dựng lối sống tối giản số bền vững. Và như Newport nói thì người đọc có thể đọc hết phần một trước, thực hành phương pháp “Digital Declutter” trong vòng 30 ngày, sau đó mới tiếp tục đọc phần hai.
Ở phần một, qua các ví dụ minh họa chân thực và đúng trọng tâm cùng cách sắp xếp dẫn chứng lôi cuốn, tôi hiểu được rằng mỗi người đang ở trong một “cuộc đấu tranh vũ trang không cân sức”, “trong đó các công nghệ đang xâm nhập vào quyền tự chủ của con người đang tấn công chính xác vào những điểm yếu chết người trong bộ não của chúng ta”. Điều đó tất yếu dẫn đến sự cần thiết của một “thứ vũ khí” tốt để so găng trong trận chiến này, ấy chính là “chủ nghĩa tối giản số”. Đây là một triết lý về sử dụng công nghệ, trong đó bạn tập trung thời gian trực tuyến của mình vào một số lượng nhỏ các hoạt động được tối ưu hóa và lựa chọn cẩn thận có thể giúp củng cố mạnh mẽ những điều mà bạn trân trọng, và sau đó vui vẻ bỏ qua tất cả mọi thứ khác. Với ba nguyên tắc cơ bản: “Bừa bộn là một thói quen tốn kém”, “Tối ưu hóa là điều quan trọng” và “Có chủ ý”, chủ nghĩa này từ một khái niệm có vẻ mơ hồ lại trở nên dễ hình dung hơn khi mà bạn có thể dựa vào các ý được in đậm trong cuốn sách đã có thể lập một mindmap đơn giản cho riêng mình sau khi đọc xong. Mỗi nguyên tắc được đưa ra đều có phần lập luận cho chính nó, điều này làm cho người đọc như tôi có cảm giác như đang tham gia một “chuyến thưởng ngoạn”, càng đi sâu càng thấy thú vị. Đặc biệt, “quy trình dọn dẹp không gian số” với ba bước được thực hiện trong 30 ngày được đề cập ở cuối phần một chính là một “trạm nghỉ” của cuộc hành trình, để mỗi “du khách” có thể dừng chân và tự mình trải nghiệm trước khi chuyển sang địa điểm tiếp theo.
Sang đến phần hai, tác giả đề cập tới bốn biện pháp cụ thể hơn trên cơ sở đã nêu tại phần một: “Dành thời gian ở một mình”, “Đừng nhấn nút “thích””, “Lấy lại sự thư giãn đã mất” và “Tham gia vào phong trào kháng lại sự chú ý”. Bốn biện pháp – có cái quen thuộc, dễ hiểu lại có cái trừu tượng, xa lạ. Tuy nhiên, khi đã đi sâu vào từng biện pháp, tác giả chia thành các ý nhỏ, chia thành từng việc làm với ngôn từ hàm súc mà cô đọng. Cách bóc tách từng lớp nội dung của tác giả khiến tôi cảm thấy thoải mái và dễ dàng tạo cho mình một mạch suy nghĩ thống nhất, từ đó hiểu được điều mà ông muốn truyền đạt. Tất nhiên, cần nhiều thời gian để có thể thật sự thấm thía những gì mà Newport nói, nhưng khả năng diễn đạt của tác giả đủ để cho tôi cũng như những độc giả khác có thể nắm được phần cơ bản nhất, hồn cốt nhất của những biện pháp này.
Tựu chung lại, đây là một cuốn sách rất thích hợp với tôi từ nội dung đến hình thức, một cuốn sách thực sự giúp tôi học hỏi được nhiều điều. Tôi hiểu được mối quan hệ giữa con người và công nghệ số nói chung, cũng tự tìm ra lời lý giải cho những hành động “vô thức” của mình khi sử dụng các thiết bị di động và mạng xã hội. Cuốn sách vừa là tiếng chuông cảnh tỉnh về sự “lộng hành” của công nghệ, vừa là một lời khuyên bổ ích để tôi có thể làm chủ cuộc sống của bản thân một cách toàn diện trong thế giới số ngày một hiện đại.