"Hỡi cô thắt cái bao xanh.
Có về Vĩnh Thịnh với anh thì về
Vĩnh Thịnh có nghiệp, có nghề
Có đất làm nón, có nghề đi buôn".
Thôn Vĩnh Thịnh - xã Đại Áng - Thanh Trì - HN cũng giống như nhiều miền quê Bắc Bộ, có khung cảnh hiền hòa với cây đa, giếng nước, sân đình. Vẻ hiền hòa như thấm vào gương mặt của người dân nơi đây. Bởi thế, người dân Vĩnh Thịnh hồn hậu, cởi mở, hiếu khách lắm. Hiện nay, cùng với công cuộc xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội, thôn Vĩnh Thịnh có nhiều đổi khác, đời sống nhân dân được nâng cao hơn, nhà cửa khang trang hơn, đường xá sạch đẹp hơn. Cũng vì thế mà những nét quê trở thành những điểm nhấn ấn tượng, thành niềm tự hào của người dân Vĩnh Thịnh. Nghề làm nón ở Vĩnh Thịnh đã có tuổi đời hàng trăm năm, bằng đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ thôn quê, những chiếc nón lá đang được lãnh đạo địa phương quan tâm phát triển để gìn giữ nghề truyền thống.
Nón lá là món đồ trang sức không cầu kì đắt tiền mà đẹp một vẻ đẹp giản dị, mộc mạc như chính tâm hồn con người Việt Nam. Với mỗi người dân Việt Nam đặc biệt là những người nông dân, nón lá là vật dụng cần thiết và là người bạn thân thiết đối với con người. Nón lá được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, chiếc nón lá có khi dùng để các bà các mẹ đội nón đi chợ hay dùng che nắng, che mưa khi làm đồng, dùng thay chiếc quạt khi nghỉ giải lao trên đồng ruộng. Chiếc nón lá cùng với tà áo dài làm tôn lên vẻ kín đáo, dịu dàng của những cô gái Việt. Hình ảnh người con gái trong tà áo dài và đội chiếc nón lá đã trở thành nét đặc trưng cho người con gái Việt Nam.
Nón đi vào những câu ca dao, điệu hò, thơ ca:
“Nón nầy che nắng, che mưa
Nón nầy để đội cho vừa đôi ta”
và được đưa vào nghệ thuật sáng tạo trong hội họa, nhiếp ảnh làm thành nhiều công trình nghệ thuật đặc sắc. Ngoài ra, chiếc nón còn là một trang sức làm nên nét duyên của người con gái:
“Gió cầu vương nắng nàng thôn nữ/ Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ” (Đông Hồ). Chiếc nón lá cũng xuất hiện nhiều trong những buổi triển lãm, ở nhiều loại hình nghệ thuật. Trong các sân chơi nhan sắc từ trong nước đến quốc tế, hình ảnh của nón lá được các thiếu nữ Việt trình diễn trong trang phục áo dài. Không chỉ vậy, nó còn để lại những dấu ấn của mình qua những điệu múa nón thướt tha. Đây cũng là một điệu múa mang đậm tinh thần người Việt và đặc trưng cho nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, sự phát triển của nền kinh tế cùng với chính sách toàn cầu hóa mở ra cánh cửa giao thoa nền kinh tế và văn hóa giữa các nước. Đồng thời cũng từ đó, chiếc nón lá Việt Nam đã vươn mình ra ngoài biên giới và trở thành món quà ý nghĩa dành cho các du khách quốc tế.
Dẫu nón lá giờ đây ít người sử dụng, song hy vọng trong tương lai cùng với áo dài, hình ảnh chiếc nón lá vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống vốn có mà không hề bị pha tạp hay mai một để ngày càng vươn xa hơn, quảng bá cho thế giới về nét đẹp dân tộc Việt, trở thành một nét văn hoá đặc trưng mà bất kỳ người dân Việt Nam nào khi nhớ đến đều có thể hãnh diện tự hào.
Tập thể CB – GV – NV nữ trường THCS Tả Thanh Oai đã lựa chọn một kết hợp vô cùng hoàn hảo giữa 2 biểu tượng đặc trưng của đất nước, đó chính là những tà áo dài duyên dáng, thướt tha cùng với chiếc nón lá truyền thống của làng nghề Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội để hưởng ứng và tham gia cuộc thi.