Xuất phát từ quê hương giàu truyền thống văn hiến, quê hương làng khoa bảng, quê hương danh nhân văn hoá Ngô Thì Nhậm. Trường cấp II Đại Thanh thực tế có từ năm học 1958 – 1959 và hai lớp 5 gọi là “lớp 5 nhô”.
Đến năm học 1960 – 1961, trường phát triển thành 6 lớp, mỗi khối hai lớp. Trước thực tế đó, để đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo, ngày 19/9/1960 Uỷ ban hành chính huyện Thanh trì (thuộc tỉnh Hà Đông cũ) ký quyết định thành lập trường phổ thông cấp 2 Đại Thanh, cùng với quyết định đó thầy Trịnh Văn Giáp được bổ nhiệm làm vị hiệu trưởng đầu tiên của trường. Khi mới thành lập, trường chưa có phòng học riêng, cơ sở vật chất đều nhờ địa điểm khu di tích Đình Hoa Xá của thôn Tả Thanh Oai như: Tả Mạc, Minh Ngự Lâu, Hương Hiền. Giải quyết cho 6 lớp với hơn 200 học sinh và 9 thầy cô giáo.
Đến năm 61 huyện Thanh trì cắt một số xã về huyện Thanh Oai, một số xã về huyện Thường Tín, số xã còn lại về huyện Thanh Trì Hà Nội theo đó, trường cấp 2 Đại Thanh thuộc sự chỉ đạo của phòng giáo dục Thường Tín Hà Đông. Ngay trong năm 60 xã Đại Thanh đã khởi công xây dựng 5 phòng học, tuy chỉ là dãy nhà cấp 4 nhưng ở thời điểm bấy giờ đó là một công trình lớn trong khu vực - niềm tự hào về phong trào giáo dục của một xã vùng ven Đô những năm đầu giải phóng.
Bước sang năm học 1961 – 1962 nhà trường đã chuyển về địa điểm mới vì khu trường mới có 5 phòng học nên nhà trường vẫn phải đặt nhờ địa điểm lớp học ở Đình Nhân Hoà và nhà thờ họ Nguyễn Tiến.
Năm học 1965 – 1966, do sự kiện: “ Vịnh bắc bộ”, nhà trường phải thực hiện kế hoạch phòng tránh máy bay oanh tạc khu trung tâm chỉ được đặt không quá 2 lớp, các lớp còn lại được xây dựng phân tán ở các thôn cùng hệ thống hầm, hào đảm bảo sự an toàn cao nhất cho thầy và trò. Bên cạnh những khó khăn gian khổ về cơ sở vật chất, vì điều kiện sinh hoạt, triển khai các hoạt động dạy và học, nhà trường còn phải tiếp nhận khá đông số học sinh xơ tán về. Cụ thể năm 1965 – 1966, toàn trường có 7 lớp học, sang năm học 1966 – 1967 và 1967 – 1968 đã phát triển thành 9 lớp. Đỉnh cao là năm học 1970 -1971 và 1971 – 1972 phát triển lên 12 lớp với số học sinh xơ tán chiếm tỉ lệ 40%. Học sinh đông (50học sinh/lớp), lớp học thiếu nhà trường phải tổ chức học 2 ca, tránh giờ cao điểm (từ 10 giò đến 16 giờ), học sinh đến lớp phải mang theo ghế ngồi, mũ rơm, cáng kíu thương,. . . Hễ có còi báo động, thầy trò xuống hầm trú ẩn, còi báo yên lại trở về lớp học. Khó khăn gian khổ là thế xong tinh thần trách nhiệm của thầy, khí thế học tập của trò không hề suy giảm, tiếng gầm rú của máy bay, tiêng bom đạn nổ không át được tiếng bi bô trẻ học bài.
Do chịu ảnh hưởng của chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12 năm 1972 nhà trường phải cho học sinh nghỉ học để đi xơ tán. Kết thúc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, hiệp định Pari được ký kết, học sinh xơ tán và giáo viên biệt phái trở về trường cũ. Số lớp của trường bầy giờ rút lại còn 9 lớp, mỗi khối 3 lớp với sĩ số trung bình mỗi lớp khoảng 40 học sinh. Toàn trường trở về khu trung tâm với 5 phòng học cấp 4 và 5 phòng học bằng tranh tre lứa lá tháo dỡ từ các khu lẻ về. Công việc này phải đến khai giảng năm học 1973 – 1974 mới hoàn tất và ổn định. Cũng từ năm học này do hoạt động giáo dục tập trung về một địa điểm công tác chỉ đạo quản lý được thuận lợi, các phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” được triển khai mang lại hiệu quả cao, nhà trường ngày càng ổn định và đi vào nề nếp.
Đến năm học 1976 – 1977 phòng giáo dục huyện Thường Tín thực hiện chủ trương của BGD là hợp nhất hai cấp 1 và 2 thành trường phổ thông cơ sở. Trường cấp 1; 2 Đại Thanh trở thành trưởng phổ thông cơ sở Tả Thanh Oai. Đến năm học 1979 - 1980 trên lại có chủ trương cắt một số xã của Thường Tín về Thanh Trì trong đó có xã Tả Thanh Oai, từ đó trường phổ thông cơ sở Tả Thanh Oai trực thuộc sự quản lý và chỉ đạo của PGD huyện Thanh Trì – thành phố Hà Nội. Cũng từ đây, dãy nhà tranh tre nứa lá được thay thế bởi một dãy nhà cấp 4 kiên cố gồm 5 phòng học. Đồng thời các trang thiết bị như: bàn ghế, bục giảng, đồ dùng học tập . . . cũng được tăng cường, tỷ lệ giáo viên tăng từ 1,2: 1,5 lên đến 2,0 trên 1 lớp.
Trong những năm của thập kỷ 80, do nền kinh tế bao cấp quá ngặt nghèo, đời sống vật chất của giáo viên cực kỳ khó khăn, các thầy cô giáo phải tham gia lao động sản xuất như cấy lúa, chăn nuôi, chạy chợ thêm, . . . để đảm bảo cuộc sống. Một số thầy cô xin nghỉ “một cục” để chuyển làm nghề khác.
Năm 1985 – 1986, theo sự chỉ đạo của Bộ giáo dục, các nhà trường bắt đầu thực hiện chương trình cải cách với hệ 4 lớp của cấp 2. Đồng thời thực hiện cải cách sách giáo khoa bắt đầu từ lớp 6. Trong giai đoạn này, nhà trường đã phát triển lên đến 10 lớp (mỗi khối 3 lớp, riêng khối 6 có 4 lớp) và cứ như thế, mỗi năm cấp 2 lại tăng thêm 1 lớp.
Các thầy cô giáo trường THCS Tả Thanh Oai nhân ngày khai giảng năm học 2017 - 2018
Đến năm học 1988 – 1989, trường PTCS Tả Thanh Oai lại tách thành 2 trường: Trường phổ thông cấp 1 Tả Thanh Oai và trường phổ thông cấp 2 Tả Thanh Oai, cũng ở năm học này, cấp 2 đã tiến hành cải cách theo sách giáo khoa mới đến lớp 9, tức là hoàn thành cải cách cấp 2. Trong năm học này, nhà trường đã hình thành 12 lớp và tiếp nhận đưa vào sử dụng khu nhà hiệu bộ 2 tầng gồm 6 phòng. Số giáo viên chưa đạt chuẩn của nhà trường lần lượt nghỉ hưu, số giáo viên tăng cường phần lớn đều trẻ và đã tốt nghiệp CĐSP hoặc ĐHSP nhờ vậy chất lượng chuyên môn của nhà trường ngày càng được nâng cao.
Vì số lớp ngày một tăng, từ 12 lên 16 lớp, đến năm học 1995 – 1996, nhà trường được xây khu nhà cao tầng gồm 12 phòng học thay thế cho dãy nhà cấp 4, tạo khuôn viên trường ngày càng khang trang. Hơn thế nữa, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, lãnh đạo cấp trên, rồi phụ huynh học sinh toàn trường, sân trường được đổ bê tông, trang thiết bị dạy học được bổ sung ngày càng hiện đại, khí thế thi đua sôi nổi, nhiều học sinh đã đạt được danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Nhà trường đã đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện với các danh hiệu lao động giỏi cấp huyện của các thầy cô giáo.Bước sang năm học 2000 – 2001, sĩ số học sinh trong trường tăng lên đột biến với 20 lớp (mỗi khối 5 lớp), cơ sở vật chất lại càng thiếu thốn, các phòng học đều xuống cấp, nhà trường vẫn phải sử dụng dãy nhà cấp 4 xây từ những năm 1960 để dạy và học.
Lễ khai giảng năm học 2001 - 2002
Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, năm 2005 công trình xây dựng trường chuẩn Quốc gia trên khu đất mới với tổng diện tích khoảng 11.148 m2 chính thức được khởi công xây dựng. Chỉ sau 1 năm, trong niềm vui khôn tả, thầy và trò trường THCS Tả Thanh Oai chuyển sang trường mới và đón nhận danh hiệu “ Trường chuẩn Quốc gia giai đoạn – 2001 - 2010”.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của nhà trường, có lẽ đây là năm có số học sinh, số lớp lớn nhất: 28 lớp với trên 1000 học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên về căn bản được bổ sung đủ về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng. Trường liên tục đạt các danh hiệu: Trường tiên tiến, Công đoàn vững mạnh xuất sắc, tập thể tốt, Liên đội mạnh cấp Huyện, Thể dục thể thao tiên tiến xuất sắc cấp Thành phố, Thư viên chuẩn Quốc gia… Đặc biệt năm học 2008 – 2009 và 2009 – 2010, trường đã đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc cấp Thành phố.
Nhìn lại chặng đường 58 năm xây dựng và phát triển, từ thủa sơ khai khó khăn trăm bề, trải qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt, đến nay trường đã thực sự trở lên “xanh - sạch - đẹp” với bao hoạt động giáo dục vui tươi, bổ ích, thu hút lứa tuổi thiếu niên đến trường, tiếp nối truyền thống quê hương như lời một bài thơ đã viết tặng nhân dịp kỷ niệm 58 năm ngày thành lập trường:
“Nối dòng truyền thống quê hương
Thành tích vẻ vang một mái trường
Rèn đức - dạy hay luôn tiến bộ
Luyện tài - học giỏi đã nêu gương
Trồng người trân trọng nền tri thức
Dựng nghiệp chăm lo nếp kỷ cương
“Trường chuẩn quốc gia” càng rạng rỡ
Năm mươi năm vững bước lên đường.”
Chúc phong trào giáo dục của trường THCS Tả Thanh Oai nói riêng, sự nghiệp trồng người của địa phương nói chung ngày một phát triển vững mạnh./.